Những mẫu chuyện về họ Lê
Lê Long Đĩnh
Lê Long Đĩnh sinh vào tháng 10, ngày Bính Ngọ, năm Bính Tuất (tức ngày 15 tháng 11 năm 986) tại kinh đô Hoa Lư, là con trai thứ năm của Lê Đại Hành, là em cùng mẹ với Nam Phong vương Lê Long Việt.
Năm Hưng Thống thứ 4 (992), ông được Lê Đại Hành phong tước Khai Minh vương, cho thực ấp ở Đằng Châu (Hưng Yên ngày nay).
Năm 1004, Kinh Thiên đại vương Lê Long Thâu (con cả của Lê Đại Hành) mất. Lê Long Đĩnh xin được làm Thái tử, Lê Đại Hành có ý muốn cho, đình thần bàn nghị lập thứ mà không lập trưởng là không phải lễ, nhà vua bèn lập Nam Phong vương Long Việt làm Hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh đại vương, Lê Long Tích làm Đông Thành đại vương.
Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà ở Trường Xuân điện, Thái tử Lê Long Việt cùng với 3 người em khác là Đông Thành vương Lê Long Tích, Trung Quốc vương Lê Long Kính và người em cùng mẹ Khai Minh đại vương Lê Long Đĩnh tranh giành ngôi vị.
Các bên giằng co trong 8 tháng, đất nước không có chủ. Tháng 10 năm 1005, Lê Long Việt đánh bại Đông Thành vương khiến Vương phải chạy vào đất Cử Long. Lê Long Việt lại đuổi bắt, Đông Thành vương chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Lê Long Việt do đó lên ngôi, tức là Trung Tông Hoàng đế. Tuy nhiên, Trung Tông ở ngôi được 3 ngày thì bị độc chết.
Mùa đông năm 1005, Lê Long Đĩnh lên ngôi xưng là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế, truy thụy cho Trung Tông, truy tôn mẹ là Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng thái hậu.
Cùng năm 1005, Ngự Bắc vương Lê Long Cân cùng Trung Quốc vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Lê Long Đĩnh thân đi đánh, đến Đằng Châu viên Quản giáp là Đỗ Thị đem việc người anh em họ ngoại là Lê Hấp Ni làm phản tâu lên. Long Đĩnh sai bắt tra hỏi, Hấp Ni và những kẻ dự mưu 12 người đều bị giết. Đến trại Phù Lan, người trong trại đóng cửa trại cố thủ. Đánh không hạ được, bèn vây chặt vài tháng, người trong trại hết lương ăn. Ngự Bắc vương tự biết kế cùng thế khuất, bèn bắt Trung Quốc vương đem nộp. Nhà vua bèn sai chém Trung Quốc vương, tha tội cho Ngự Bắc vương, rồi đem quân đánh Ngự Man vương ở Phong Châu. Ngự Man vương phải chịu hàng. Quân về đến Đằng Châu, đổi tên châu ấy làm phủ Thái Bình. Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả.
Chuyến đi này khi quân triều đình đánh nhau với người trại Phù Lan, chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu (nay là cửa biển Thần Phù). Vua Lê Long Đĩnh về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh quân Cử Long.
Năm 1006 nhà vua phong cho con trưởng là Sạ làm Khai Phong vương, con nuôi là Lê Thiệu Lý làm Sở vương cho ở bên tả; Lê Thiệu Huân làm Hán vương cho ở bên hữu. Ông còn có người con nuôi khác là Lê Ác Thuyên, phong làm Tam Nguyên vương vào năm 1008.
Năm 1007 Nhà vua sai em là Minh Xưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách Đại Tạng. Nhà Tống ưng thuận cho cả. Từ đó, Kinh phật được truyền bá rộng rãi khắp cả nước, các cao tăng thời đó như sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu… rất được nhà vua coi trọng.
Năm 1008 Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương, Vị Long. Tiếp đó "lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu".
Năm 1009 tháng 7 Vua lại thân đi đánh giặc ở các châu Hoan Đường và Thạch Hà.
Lê Long Đĩnh cai trị được 4 năm, đến tháng 10, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (tức ngày 19 tháng 11 năm 1009) thì qua đời, hưởng dương 24 tuổi.
Long Đĩnh mất, con trai là Lê Cao Sạ còn bé, Nguyễn Đê là con của Nguyễn Bặc (người bị Lê Hoàn giết) cùng quan Chi hậu Đào Cam Mộc lập mưu tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra triều đại nhà Lý.
Lê Phụng Hiểu
Lê Phụng Hiểu người đất Băng Sơn, Châu Ái, nay là xã Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thuở hàn vi, ông nổi tiếng là người khỏe mạnh và võ nghệ hơn người, làm quan võ dưới hai triều vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông.
Sau khi dẹp loạn Tam vương, ông được vua Lý Thái Tông phong chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.
Bình Chiêm thắng trận trở về, vua định công ban thưởng, Lê Phụng Hiểu tâu rằng:
- “Thần không muốn thưởng tước, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném đao lớn đi xa, đao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”.
Vua nghe theo, Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa đến hơn mười dặm, rơi xuống thôn Đa Mi. Vua lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy, người dân Thanh Hoá gọi ruộng thưởng công là Thác đao điền hay Ruộng ném đao.
Lê Lai
Lê Lai sinh ra ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang huyện Lương Giang (nay là Thôn Thành Sơn (Làng Tép), xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), cha tên là Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng.
Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và 18 tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh đang cướp phá. Ông được ban tước Quan nội hầu, tổng quản của phủ Đô tổng quản. Anh trai của Lê Lai, Lê Lạn cũng tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công lao.
Năm 1418, lúc vua mới dựng cờ khởi nghĩa, thế quân kém và ít, người Minh lùng bắt mãi, bèn mưu cùng tướng tá rằng: Ai có thể đem thân ra thay ta, để cho ta đi ẩn nấp, giấu tông tích mà cho quân nghỉ, để mưu đồ cử binh lần sau.
Lê Lai xin đem thân nhận lấy việc ấy, Vương lạy khấn trời nói:
"Lê Lai đem thân thay chúa, nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn"
Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương chết rồi, người Minh cũng tin là thật, không lưu ý.
Lê Lai chết rồi, Lê Lợi ngầm sai người tìm di hài đem về Lam Sơn mai táng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong Lê Lai là Công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa.
Tháng 12 năm 1429, vua Lê Thái Tổ, sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thế ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để trong hòm vàng. Lại gia phong làm Thái úy. Năm Thái Hòa thứ nhất 1443, ban tặng tước Bình Chương quốc quân trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng, tước Huyện Thượng Hầu. Năm 1470, niên hiệu Hồng Đức tặng tước Diên Phúc Hầu. Năm 1484 truy tặng tước Thái úy Phúc Quốc Công, sau gia phong Trung Túc Vương.
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 âm lịch, năm 1433, trước khi mất có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21 tháng 8. Từ đó dân gian truyền lại câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.
Lê Tư Tề & Lê Nguyên Long
Lê Tư Tề & Lê Nguyên Long
Lê Tư Tề sinh khoảng năm 1402-1405, mất năm 1438 là con trưởng của Lê Lợi đã lập được rất nhiều chiến công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lê Nguyên Long sinh năm 1423 (Quý Mão), mất năm 1442 là con thứ của Lê Lợi, từ khi sinh ra đã rất thông minh, sáng dạ nên mặc dù không sinh năm Thìn (rồng – long) vẫn được Lê Lợi đặt tên là Nguyên Long (nghĩa là “chính là Long – vua”) với mong muốn người con thứ sau này sẽ làm vua. Chính vua Lê Thái Tổ đã giải thích rõ ràng Nguyên tắc truyền ngôi: Một mai khi vua băng thi Tư Tề làm vua trước rồi truyền cho Nguyên Long.
Năm Thuận Thiên thứ 1 (1428), Thái Tổ lên ngôi Hoàng Đế, sáng lập Triều đại, Tư Tề được phong làm Hữu tướng quốc, tước Quận vương.
Năm thứ 2 (1429), Thái Tổ già yếu nhiều bệnh, sai Nhập nội kiểm hiệu Bình chương sự Phạm Vấn, Nhập nội Đại tư mã Lê Ngân và Nhập nội thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Tư Tề là Quốc vương để tạm coi việc nước; lập người con thứ Nguyên Long là Lương quận công làm Hoàng thái tử. Hễ ai có việc trình bày phải xưng hô là Quốc vương điện hạ, phải dùng chữ "Khai" thay cho chữ "Tấu", nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh thì dùng "Quốc vương chỉ huy" thay cho "Sắc".
Năm thứ 5 (1432), tù trưởng Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ nổi loạn; Tư Tề được lệnh làm tướng đi đánh dẹp, bức hàng Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng.
Lúc bây giờ, vua Thái Tổ nhiều bệnh, việc chính sự lớn đều do Quốc vương Tư Tề quyết định, nhưng Tư Tề mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tì thiếp, dần dần không hợp ý vua cha.
Năm thứ 6 (1433), Lê Thái Tổ gọi người cháu ruột đang trấn thủ Hóa châu là Thiếu uý Lê Khôi vào bàn định việc chọn ai nối ngôi. Lê Khôi bàn nên chọn Nguyên Long, Thái Tổ mới quyết định chọn người con thứ.
Tháng 8 năm 1433, Tư Tề bị giáng xuống làm Quận vương. Cuối tháng đó Thái Tổ Cao Hoàng đế qua đời, Lê Nguyên Long được lập lên ngôi, tức là Lê Thái Tông. Đô đốc Phạm Vấn và Đại tư đồ Lê Sát được chiếu chỉ phò đế, nắm quyền phụ chính.
Tháng 1 năm 1434, có 3 thị nữ đến tâu với Thái Tông rằng Tư Tề phát ngôn nhiều điều càn bậy quái gở, có ý không thuận. Vì vậy Thái Tông hạ lệnh cấm cố ông, không cho các quan lại gần nơi ở của ông; còn ông, nếu không có lệnh gọi thì không được vào triều. Lại có lệnh: Nếu ai tự ý đến thăm hoặc dẫn ông vào triều sẽ bị tội nặng.
Tháng 5 năm 1438, Thái Tông nắm đại quyền sau khi giết Lê Sát và Lê Ngân. Thái Tông ra chỉ phế truất Tư Tề làm dân thường, đổi thành họ Nguyễn Hữu, định cư ở xã Phù Lưu Tế huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Sau đó ông qua đời, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Ông được truy phong là Quận Ai vương.
Cung vương Lê Khắc Xương
Cung Vương Lê Khắc Xương là hoàng tử thứ hai của vua Lê Thái Tông, mẹ là Bùi Quý nhân (con gái của Bùi Cầm Hổ), cũng là anh của Lê Thánh Tông và Lê Nhân Tông.
Sau khi các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa lật đổ Lê Nghi Dân thành công, giáng Nghi Dân xuống tước Hầu. Trong triều có người muốn đưa Gia Vương Lê Tư Thành lên làm vua, nhưng quan Tư Đồ Lê Lăng can rằng: "Gia Vương còn có người anh là Cung Vương, không nên bỏ anh lập em để lại dẫm vào vết xe đổ vừa rồi".
Ngày 7 tháng 6 Canh Thìn (1460), Lê Lăng cùng triều thần đến đón Cung vương tôn lập hoàng đế, nhưng Vương nói: "Triều Lê vừa trải qua bất ổn, cần người tài năng chủ trì thế cục, giữ vững cơ nghiệp Thái Tổ đã mất công gây dựng. Ta mệnh bạc, tài hèn không đảm đương được".
Vì vậy, triều thần mới tôn lập Gia vương lên ngôi đặt niên hiệu là Quang Thuận, sau đổi thành Hồng Đức.
Sau khi yên vị ngai vàng, năm 1462 Nhà vua nghe lời dèm pha của kẻ xấu về Cung Vương, cùng trong lòng vẫn nặng nỗi hận kế vị, đã gán tội giết chết quan Tư đồ Lê Lăng.
Năm 1476 trước khi mất Cung Vương gọi con cháu đến bảo: "Nay trong triều lắm kẻ dèm pha, nếu ở lại kinh thành các con có thể nguy hiểm đến tính mạng".
Con cháu khóc hỏi: "Khắp thiên hạ đều là đất của vua, chúng con biết đi đâu bây giờ ?"
Vương đáp: "Xứ Nghệ trên núi Long Ngâm có Đền thờ Bác ta là Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi. Ở đó còn nhiều bộ hạ cũ của Đại Vương, lại gần quê ông ngoại (Bùi Cầm Hổ) các con sẽ an toàn".
Nghe lời cha, con cháu Cung Vương chuyển đến sống dưới chân núi Long Ngâm lập nên Gia tộc Lê Khắc và khai chi tán diệp đến khắp nơi như ngày nay.