Đền thờ và Lễ hội
1. ĐỀN VUA LÊ
Dọc theo bờ sông Lam, trên địa phận Xã Hưng Thành, Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An, có một quần thể di tích lịch sử lâu đời, độc đáo thuộc triều đại nhà Lê cách nay hơn nửa thiên niên kỷ, đó là Đền thờ vua Lê.
Thần tích Đền Vua Lê
Sau khi xâm lược nước ta, quân nhà Minh đã xây dựng thành lũy, đồn ải trên núi Lam Thành, án ngữ cửa Hội và chia cắt vùng đồng bằng Nghệ An.
Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo và nhân dân Triều Khẩu đã vây hãm thành Nghệ An, giết hàng vạn quân xâm lược. Sử sách mô tả thuyền giặc trôi ngổn ngang, thây chết tắc cả sông Lam, vũ khí thu được chồng chất như núi.
Tháng 4.1428, vua Lê Lợi ra chỉ dụ đặt lỵ sở trấn Nghệ An tại Triều Khẩu. Các vị vua từ Lê Lợi, đến Lê Thánh Tông và Quang Trung Nguyễn Huệ đã từng dừng chân ở đây. Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho xây đền thờ các vua Lê. Hơn 500 năm qua, đền thờ Lê Thái Tổ và bà Trinh Ý Nguyên phi được thờ tại đây.
Đến triều Chính Hòa (cuối thế kỷ 17), vua Lê Hy Tông tiếp tục rước linh vị Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông về đây cùng với gian thờ Hổ tướng Lê Khôi.
Lễ hội Đền Vua Lê
Lễ hội Đền Vua Lê được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch.
2. ĐỀN BÀ CÔ
Nằm dọc bên dòng sông Lam thơ mộng, đền Bà Cô - nơi thờ công Chúa Quế Hoa tọa lạc tại thôn Yên Mỹ (xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An).
Thần tích đền Bà Cô
Công chúa Quế Hoa là con gái của Quốc vương Lê Tư Tề, là cháu nội của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), người đã từ bỏ cuộc sống cung đình để về sống với những người dân nghèo tại làng Đăng, xã Yên Lưu, tổng Yên Trường (nay là thôn Yên Mỹ, xã Hưng Hòa, TP Vinh).
Từ một vùng đất ngập mặn, quanh năm lụt lội và đói nghèo, công chúa Quế Hoa đã tập hợp dân làng đào hói dẫn thủy (nay còn di tích Hói Bà Cô), đắp đường và phát triển nghề dệt chiếu cói, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Sau khi qua đời, công chúa Quế Hoa đã hiển linh độ thế, báo quốc hộ dân. Nhân dân trong vùng lập đền thờ và nhiều lần các triều đại phong kiến đã phong tặng các đạo sắc. Tại đền Bà Cô hiện còn lưu giữ các hiện vật có giá trị lịch sử như: các đạo sắc vua ban, mũ vua ban cho công chúa Quế Hoa, bài vị, long kiệu, đại tự, câu đối cổ…
Lễ hội Đền Bà Cô
Lễ giỗ Bà Cô được tổ chức hàng năm vào ngày 25, 26 tháng 9 âm lịch.
3. ĐỀN CHIÊU TRƯNG
Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi hay còn gọi là đền Võ Mục, trực thuộc xã Kim Đôi (nay là xã Thạch Kim), huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Thần tích Đền Chiêu Trưng
Lê Khôi là con trai Lê Trừ - anh trai thứ hai của Lê Lợi, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Ông có tên trong Hội thề Lũng Nhai và danh sách 35 vị công thần khởi nghĩa. Lê Khôi đã trải qua 3 triều đại là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và đã giữ tới chức Hộ vệ thượng tướng quân, Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh.
Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu. Ở đây, ông đã rất chú trọng việc phát triển nông nghiệp cũng như đắp đập khai hoang, lập làng. Năm 1446, Lê Khôi phụng mệnh của vua Nhân Tông cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Nhưng trên đường trở về ông bị bệnh nặng và qua đời ở Cửa Sót, ngay dưới chân núi Nam Giới.
Thi hài của ông được an táng tại chóp núi Long Ngâm. Để ghi nhớ những cống hiến của ông, triều đình làm quốc tang và cho lập đền thờ tại đây. Năm 1487, vua Lê Thánh Tông phong tặng Lê Khôi là “Chiêu Trưng đại vương”. Những người dân địa phương cũng lập đền thờ ông tại Cửa Sót và hàng năm tổ chức lễ hội đền Chiêu Trưng vào ngày giỗ ông.
Lễ hội Đền Chiêu Trưng
Hàng năm, vào ngày 1,2,3/5 âm lịch nhân dân tổ chức lễ giỗ Lê Khôi để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng này trong lịch sử chống quân Minh xâm lược.
4. KHU DU LỊCH SINH THÁI HẢI THƯỢNG
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y - một tấm gương về nhân cách, tài năng và đức độ.
Trải dài trên một cung đường gần 8km, điểm khởi đầu là khu mộ Lê Hữu Trác tại xóm 17, xã Sơn Trung; điểm giữa là Chùa Tượng Sơn tọa lạc bên sông Ngàn Phố, xã Sơn Giang; điểm cuối là nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xóm 8, xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Khu Du lịch sinh thái Hải Thượng được xây dựng năm 2012 nằm ngay trong Quần thể di tích để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn vinh một tài năng bậc thầy về y học, nhân cách đức độ của Đại danh y Lê Hữu Trác.
5. ĐỀN ĐỨC HOÀNG
Đền Đức Hoàng thờ vua Lê Trang Tông, là một công trình có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nằm ở xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Thần tích đền Đức Hoàng
Vào cuối thế kỷ thứ 16, nhà hậu Lê suy vong. Theo truyền thuyết bà Bùi Thị Ngọc Thụy vợ vua Lê Chiêu Tông lúc đó đang có mang đã chạy về quê nhà ở làng Diêm Tràng, phủ Anh Sơn để ẩn náu. Tại đây bà sinh ra một người con khôi ngô tuấn tú, tướng mạo khác thường đặt tên là Ninh. Lớn lên cậu bé Ninh biết đi ở nuôi thân, nuôi mẹ, biết bênh vực những trẻ em bị bắt nạt và khi khôn lớn Ninh biết khai khẩn đất đai.
Bề tôi cũ của nhà Lê là An Thanh Hầu Nguyễn Kim khởi binh ở Sầm nưa muốn tìm con cháu nhà Lê để suy tôn làm minh chủ nên sai người tìm Lê Ninh ở Nghệ An. Khi tìm được Lê Ninh (lúc đó 19 tuổi) bèn rước về lập làm Hoàng Đế đặt niên hiệu là Nguyên Hòa tự Trang Tông đứng chủ trung hưng, khôi phục nhà Lê.
Khi lên ngôi vua Lê Trang Tông đã biết tôn trọng người tài, nghe lời phải, biết vỗ về tướng sĩ, thưởng công xứng đáng nên động viên được quân sĩ và nhân dân.
Hồi bấy giờ đất nước loạn lạc vua Lê Trang Tông tham gia đánh giặc, do dãi dầu sương gió nên nhuốm bệnh không khỏi. Ngày 29 tháng giêng (1548) thì mất. Thần dân ai nấy đều thương tiếc.
Nhân dân ghi nhớ công ơn của vị vua đã có công khai khẩn đất đai mở mang cả một vùng rộng lớn, tạo cho nhân có cuộc sống ổn định, lại có công dẹp loạn, bài trị yên dân, là một trông những người chấn hưng đất nước thời Hậu Lê nên lập bài vị "Bâm Đạo Minh Đức cung thiên thần trí nhân Trang Tôn dụ Hoàng Đế" rước vào thờ phụng trong đền
Ngoài Lê Trang Tông, Đền Đức Hoàng còn thờ 4 vị nữa
1- Hiển Công Vương Lê Khang con của Lê Trừ, cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột
2- Quang Nghiệp Vương Lê Thọ con của Lê Khang
3- Trang giản vương Lê Thiệu là người đã lập đền và là con của Lê Thọ
4- Bà Bùi Thị Ngọc Thụy vợ của Lê Thiệu
Lễ hội đền Đức Hoàng
Hàng năm nhân dân tổ chức tế lễ rước kiệu vào ngày 29 tháng giêng và ngày 17 tháng 6 âm lịch. Đây là ngày hội lớn của nhân dân Đô Lương.
6. ĐỀN THỜ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN
Lê Duẩn (1907–1986), tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ra tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, quê gốc của ông là ở làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn là lớp người đầu tiên hưởng ứng và đi theo con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Lê Duẩn làm Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986. Người là Tổng Bí thư có thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày. Theo một số nhận định khi Việt Nam thống nhất, Lê Duẩn là nhà lãnh đạo có vị trí cao nhất và có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam trong những năm tháng tại vị.
Lê Duẩn, người trước đó đã dẫn dắt những người cộng sản ở miền Nam trong chiến tranh Đông Dương, là một trong những "kiến trúc sư" hàng đầu trong Chiến tranh Việt Nam, với việc vạch ra chiến lược cách mạng ở miền Nam Việt Nam với tác phẩm Đề cương cách mạng miền Nam. Bản đề cương này định hướng cho hàng loạt phong trào đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, từ đó tạo điều kiện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công và tiếp quản Sài Gòn vào năm 1975, kết thúc chiến tranh Việt Nam. Sau đó, Lê Duẩn tiếp tục lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ xảy ra 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc.
Để tri ân công lao to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (15.10.1831-15.10.2011), được sự đồng ý của gia đình, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư xây dựng Đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn ngay trên hòn đảo nằm giữa lòng hồ, nơi Tổng Bí thư đã từng nghỉ lại trong chuyến về thăm quê hương Hà Tĩnh.
Đền thờ được toạ lạc trên một hòn đảo nhỏ với địa hình dốc giữa lòng hồ Kẻ Gỗ. Khuôn viên có diện tích 320m2, quay về hướng Tây Bắc, mặt trước là đường lên đền thờ. Đền thờ được đặt trên vị trí cao nhất của đảo- một vị trí trang trọng. Phía trước là lối lên, sân hành lễ, hệ thống bậc thềm được sắp xếp từ trên cao xuống thấp, cao từ phía sau và thấp dần về phía trước. Nhịp điệu của các bậc thềm được ngắt quãng tạo cảm giác như một dòng thác đang tràn về từ cội nguồn, một dòng thác tượng trưng cho truyền thống anh hùng, sức mạnh tiềm ẩn, sự hy sinh của các bậc cha ông đi trước…
7. ĐỀN LẠT SƠN
Đền Lạt Sơn thờ Nữ tướng Lê Chân nằm trên địa bàn thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bản.
Thần tích Đền Lạt Sơn
Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Thìn (năm 20 đầu Công nguyên), là con ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn (nay thuộc xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Tài giỏi, có nhan sắc, lại tinh thông võ nghệ vì vậy Thái thú Tô Định muốn lấy nàng làm tỳ thiếp. Cha mẹ nàng không đồng ý, Thái thú Tô Định tìm cách giết hại cả hai ông bà.
Quyết chí trả thù nhà, đền nợ nước nàng tìm thầy học binh thư, võ nghệ, kết giao với những người cùng chí hướng. Nàng rời quê tới vùng ven biển An Dương (Hải Phòng) lập trang trại, khai phá đất đai, trồng dâu nuôi tằm, đánh bắt hải sản... cùng với đó chiêu mộ anh hùng hào kiệt khắp nơi rèn quân, luyện tướng, thành một đội quân hùng mạnh.
Nghe tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát, Lê Chân đem quân tới cùng Hai Bà đánh giặc. Trong các trận đánh, Lê Chân thường được cử làm tướng tiên phong, lập được nhiều công trạng. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Hai Bà Trưng thu phục được 65 thành trì, Tô Định trốn chạy về nước. Bà Trưng lên ngôi Vua hiệu là Trưng Vương, phong cho Nữ tướng Lê Chân là "Thánh Chân công chúa" giữ chức "Chưởng quản binh quyền", trấn giữ vùng duyên hải Đông Bắc.
Năm 43, vua Quang Vũ nhà Đông Hán phong Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân tiến đánh nước ta. Qua nhiều trận giao chiến nghĩa quân của Hai Bà Trưng phải rút về cố thủ ở Cấm Khê, chân dãy núi Ba Vì. Nghĩa quân bị vây hãm nhiều ngày, thế giặc mạnh hơn, Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên dòng sông Hát để giữ trọn khí tiết. Nữ tướng Lê Chân tập hợp quân sỹ, đem một cánh quân, rút theo dòng sông Đáy về xuôi tìm căn cứ để củng cố lực lượng.
Về tới vùng rừng núi Lạt Sơn, Nữ tướng quyết định lập căn cứ, chiêu mộ thêm binh sỹ, sẵn sàng đánh giặc. Khi căn cứ chưa thật vững chắc, quân Mã Viện đã kéo đến vây hãm, tiến đánh nghĩa quân. Nữ tướng Lê Chân và quân sỹ tổ chức đánh trả quyết liệt. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, Nữ tướng cho binh sỹ bí mật rút khỏi căn cứ, chỉ giữ lại một số tướng sỹ ở lại căn cứ quyết tử với kẻ thù. Chiều ngày 13/7 năm Quý Mão (năm 43), Nữ tướng gieo mình từ đỉnh núi Giát Dâu xuống thung lũng để bảo toàn khí tiết.
Lễ hội Đền Lạt Sơn
Lễ hội đền thờ Nữ tướng Lê Chân diễn ra từ ngày 11 - 13/7 hàng năm.
8. ĐỀN THỜ LÊ HOÀN
Thần tích Đền thờ Lê Hoàn
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị Hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.
Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) quê hương ông. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.
Lễ hội Lê Hoàn
Lễ hội Lê Hoàn diễn ra hàng năm từ ngày 7 - 9/03 âm lịch, tại thôn Trung Lập xã Xuân Lập - Thọ Xuân (Thanh Hoá). Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức hoành tráng, với quy mô cấp tỉnh, nhằm tưởng nhớ tới vua Lê Đại Hành - Người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981.
Trong lễ hội “Trại binh thời Lê Hoàn” sẽ được các làng văn hóa tiêu biểu huyện Thọ Xuân tái hiện lại. Ngoài ra, còn có diễn tích cày ruộng, để ghi nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành - người đã từng đích thân cày ruộng vào một ngày đầu xuân năm Đinh Hợi 987 và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian; hoạt động thể dục - thể thao khác, như thi đấu vật dân tộc, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co... Đặc biệt, nhiều tục lệ độc đáo gắn liền với những sinh hoạt dưới triều Lê Hoàn vẫn còn lưu giữ đến ngày nay như thi làm bánh lá răng bừa (gắn với việc Lê Hoàn đích thân cày ruộng), tục tiến cốm, xôi nén, tục chạp lăng, chạp mộ cũng sẽ được tái hiện lại.
9. KHU DI TÍCH LAM KINH
Thần tích Lam Kinh
Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê – nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV, nơi tụ họp những anh hùng hào kiệt khắp bốn phương chung sức chung lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.
Sau 10 năm (1418-1428) kháng chiến trường kỳ mới đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long - Hà Nội lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm.
Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn làm nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua, Thái hoàng, Thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ, nơi khi vua lễ bái yết sơn lăng.
Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hoá thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hoá mà của cả dân tộc.
Lễ hội Lam Kinh
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Nơi đây, ngày trước, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ. Còn nhân dân địa phương hàng năm vẫn mở hội tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc này.