Hoa tang TP Vinh

Dòng họ Lê Viết trên quê hương cách mạng

Thời gian đã lùi xa nhưng những chứng tích lịch sử, những khúc tráng ca bi hùng về một Bến Thuỷ anh hùng ‘đứng đầu dậy trước” vẫn vang vọng mãi trong tâm hồn người Việt, trong trái tim mỗi người con xứ Nghệ. Cũng trên miền quê giàu truyền thống lịch sử văn hoá ấy, sự gắn kết sâu sắc giữa gia đình, dòng họ và quê hương luôn được thể hiện một cách rõ nét. Và dòng họ Lê Viết ở
 
Lê Viết là một trong những dòng họ lớn nhất ở phường Bến Thuỷ nói riêng và TP Vinh nói chung. Hiện nay, họ Lê Viết ở Bến Thuỷ có khoảng gần 500 đinh và hàng ngàn con cháu. Và hầu như ở thời nào dòng họ Lê Viết cũng có con cháu đóng góp tâm sức, tài trí của mình cho sự phát triển của quê hương đất nước.
 
Trong gia phả của dòng họ còn lưu danh 25 vị quan văn, võ thời xưa là những tấm gương sáng về đức độ, tài trí. Tại nhà thờ đại tôn của dòng họ hiện còn lưu giữ nguyên vẹn sắc phong của triều Nguyễn dành cho ông Lê Doãn Phòng, một người con của dòng họ mà trong cuộc đời cầm binh dưới thời Trịnh – Nguyễn ông được biết đến là vị tướng tài ba trấn giữ khu vực đèo ngang hiểm trở. Và cũng theo như người già trong họ kể lại thì ông là người có tài thao lược không ai sánh kịp.
 
Ghi nhớ công lao to lớn của ông, nhà thờ họ Lê Viết còn lưu 2 câu đối: “Hoành lĩnh giao tranh tranh thử địa / Môn lư y vọng vọng trung thiên”. Tạm dịch là: “Vùng hoành lĩnh giao tranh đọ sức so cao thấp, người ở quê nhà cầu trời được bình an”. Về sau để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, triều đình nhà Nguyễn đã cho nhân dân lập bàn thờ và phong tặng thần hiệu là: Cao Bá Doãn Phòng phù quốc mạnh đại tướng quân trung đẳng thần.
 
 
Cứ vào ngày giỗ tổ 25 tháng 3 hàng năm, con cháu dòng họ lại được xem bức sắc phong như lời nhắc nhở, giáo huấn cho các thế hệ sau về tấm gương tài trí, đức độ của cụ Cao Bá Doãn Phòng. Để các thế hệ sau soi vào đó mà răn dạy mình và nuôi dạy con cái. Không chỉ thế tại nhà thờ còn khắc 2 câu đối thể hiện rõ niềm tự hào của dòng họ đối với những tấm gương tài trí của bậc tiền nhân: “Tử hậu anh linh địa phúc thần/ Sinh tiền Lê tộc nhân tài tướng” .
 
Truyền thống nối tiếp truyền thống. Những năm 1930-1931, cũng từ dòng họ này đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, dũng cảm quên mình vì nền độc lập dân tộc. Họ là những tấm gương kiên trung, những hạt giống cách mạng đầu tiên của Đảng trên cái nôi của phong trào xô viết nghệ tĩnh, như Lê Viết Mao, Lê Viết Thuật, Lê Viết Cường... và nhiều người khác nữa.
 
Nhiều chứng tích cách mạng của dòng họ Lê Viết được lưu giữ tại Bảo tàng XVNT
 
Có thể nói, đồng chí Lê Mao hay còn gọi là Lê Viết Mao là một trong những người con ưu tú nhất của dòng họ Lê Viết ở làng Yên Dũng Hạ nay là phường Bến Thuỷ - TP Vinh - Nghệ An. Lê Mao sinh năm 1903, trong một gia đình công nhân ở phố Đệ Thập (nay là khối 3 - phường Bến Thuỷ - Thành phố Vinh). Nhà nghèo, nên Lê Mao sớm phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Năm 14 tuổi Lê Mao vào làm công nhân tại nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Hàng ngày chứng kiến cuộc sống khổ cực và tình cảnh lao động hà khắc của công nhân, Lê Mao đã sớm nung nấu trong mình lòng căm thù cao độ đối với bọn tư bản và bè lũ thống trị, đồng thời ông cũng nhìn thấy được sức mạnh đấu tranh tiềm ẩn của quần chúng công nhân. Từ đó Lê Mao đã sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng.
 
Tháng 2 năm 1930, với sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Lê Mao được đứng trong hàng ngũ của đảng, được bầu làm bí thư chi bộ đầu tiên của nhà máy Diêm Bến Thuỷ, sau đó tiếp tục làm Bí thư Tỉnh Bộ Vinh - Bến Thuỷ. Chính Lê Mao đã cùng một số đồng chí đảng viên cốt cán  của Đảng lúc bấy giờ, dưới sự bám sát của xứ uỷ Trung kỳ đã phát động và lãnh đạo thành công phong trào công nông ở Vinh - Bến Thuỷ, góp phần to lớn vào thắng lợi của cao trò Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Để rồi đêm ngày 2 tháng 5 năm 1931, trên đường đi công tác đặc biệt ông đã bị địch bắt. Tại khu vực Cầu Đoan Bến Thuỷ năm xưa, nay là khu vực Cảng bến Thuỷ đồng chí Lê Mao đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 28. Lê Viết Mao một người con ưu tú của dòng họ Lê Viết, một bí thư Tỉnh uỷ, một uỷ viên xứ uỷ xuất sắc đã ngã xuống cho nên độc lập dân tộc. Máu anh đã  hoà vào dòng nước mát lành của quê hương và tiếp tục là mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí, lòng căm thù giặc cho lớp lớp thế hệ con cháu dòng họ thời đó và sau này. 
 
Bên cạnh Lê Mao, Lê Viết Thuật cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà tên tuổi ông đã ghi dấu vào trang sử vàng dân tộc. 
 
Tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn lưu giữ một tài liệu đặc biệt quan trọng. Đó là hồ sơ về Lê Viết Thuật hay còn được biết đến dưới nhiều bí danh khác nhau như: Nguyễn Văn Mưu, Danh, Nhiên. Ông là một đảng viên cộng sản có vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh của công nông binh Vinh - Bến Thuỷ những năm 1930. Hồ sơ này được sở liêm phóng thực dân pháp lập vào những ngày cuối năm 1931 với một bức điện mật đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của Lê Viết Thuật khi ông bị địch bắt. 
 
Lê Viết Thuật sinh năm 1902 trong gia đình nghèo ở phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thuỷ), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 14 tuổi, anh cùng làm việc với Lê Mao tại nhà máy Diêm. Hàng ngày chứng kiến cảnh lao động khổ cực và chịu bao đòn vọt của chủ nhà máy Diêm, bắt đầu từ đây Lê Viết Thuật dần được giác ngộ được ý thức giai cấp và dân tộc.
 
Sau khi Hội Phục Việt ra đời, anh được kết nạp vào Hội và là hội viên của tổ chức Công hội. Từ một đảng viên Tân Việt, Lê Viết Thuật đã trở thành đảng viên và là Bí thư chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng nhà máy Trường Thi năm 1929. Sau Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Đông Dương (3/2/1930), Tỉnh bộ Vinh được hình thành do Lê Mao làm Bí thư, Lê Viết Thuật là uỷ viên Tỉnh uỷ lâm thời Vinh.
 
Vào cuối năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp phải rút vào hoạt động bí mật. Vào thời gian đó, một loạt cán bộ, đảng viên cộng sản đều bị bắt, sát hại và tù đày. Một mình Lê Viết Thuật, bám trụ kiên cường, chỉ đạo mọi hoạt động của các tổ chức, chi bộ đảng ở Vinh - Bến Thuỷ và các tỉnh trong xứ uỷ Trung kỳ. Nhưng rồi ông cũng bị giặt bắt ngày 7/12/1930. Sau một thời gian bị tù đày và chịu sự tra tấn dã man của bọn thực dân, với khí tiết của người chiến sỹ cộng sản ông đã tuẫn tiết trong nhà lao. 
 
Có thể nói, Lê Viết Mao, Lê Viết Thuật mới chỉ là 2 trong số rất nhiều những người con ưu tú của dòng họ Lê Viết. Tinh thần anh dũng chống giặc ngoại xâm của con cháu dòng họ Lê Viết tại làng Yên Dũng Hạ, nay là Phường Bến Thuỷ- TP Vinh vẫn còn vẹn nguyên chứng tích.
 
Căn hầm bí mật được giữ gần như nguyên vẹn trong căn nhà gỗ trăm tuổi của dòng họ Lê Viết ngay giữa lòng TP Vinh
 
Ông Lê Viết Cường là bí thư đầu tiên của chi bộ công nhân nhà máy Đèn, tức nhà máy Điện Vinh những năm đầu Đảng mới ra đời. Cùng với các chi bộ Đảng khác trên địa bàn lúc bấy giờ, chi bộ nhà máy Điện Vinh dưới sự dẫn dắt trực tiếp của đồng chí Lê Viết Cường đã nhiều lần tổ chức đấu tranh với thực dân Pháp và tay sai, làm cho chúng phải hoang mang, khiếp sợ. Trong ngôi nhà con cháu ông Lê Viết Cường hiện vẫn giữ lại một căn hầm, là nơi cất dấu tài liệu và cũng là nơi ông Cường trú ẩn khi bị địch lùng bắt. Căn hầm là minh chứng  cho một quá khứ hào hùng của cha anh và cũng là chứng tích duy nhất còn sót lại nhắc nhở con cháu nhớ đến ông cha, những người đã hy sinh thân mình cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Việc gìn giữ các hiện vật lịch sử cũng như các giá trị tinh thần, tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông là điều đáng trân trọng. Và đó cũng là cách để con cháu ghi nhớ, tri ân tổ tiên ông cha mình.
 
Phát huy truyền thống văn hoá của dòng họ với những con người, những tên tuổi làm rạng danh non sông, con cháu dòng họ Lê Viết hôm nay đã luôn phấn đấu để làm rạng danh tổ tiên trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hàng năm cứ vào ngày giỗ tổ, ngày rằm tháng giêng, các thế hệ con cháu lại tề tựu đông đủ  thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành dâng lên tổ tiên, vừa để báo công về những gì con cháu hôm nay đã làm được, vừa để tưởng nhớ tới ông cha, những người đã từng một thời làm nên lịch sử.
 
 Với sự nỗ lực không ngừng của hội đồng gia tộc cũng như các thành viên trong dòng họ, liên tục trong nhiều năm liền dòng họ Lê Viết ở Phường Bến Thuỷ - TP Vinh - Nghệ An được công nhận là dòng họ văn hoá, và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước quê hương, xứng đáng là một trong những dòng họ tiêu biểu  trên quê hương giàu truyền thống cách mạng - Bến Thuỷ anh hùng.


Tin khác

  1. Nguồn gốc loài người

    12/03/2022 -  23:42

     NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI
    Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc loài người, nhưng chung quy có 3 nhóm cơ bản:
    Giả thuyết thứ nhất: Loài người là hậu duệ của các Nền văn minh tiền sử hàng triệu năm trước
    Giả thuyết thứ hai: Loài người do các vị thần tạo ra
    Giả thuyết thứ ba: Loại người là hậu duệ của Khỉ - Thuyết tiến hóa Darwin

  2. Kỷ niệm 3 năm thành lập CLB

    30/11/2021 -  17:06

    Ngày 16/10/2021, tại Nhà hàng Sen vàng 39A Lê Hồng Phong, CLB Doanh nghiệp, Doanh nhân họ Lê Tp.Vinh đã tổ chức kỷ niêm 3 năm ngày thành lập (14/10/2008 – 14/10/2021).

  3. 🌺 ĐỊCH Y - TRANG PHỤC CAO QUÝ NHẤT CỦA BẬC HẬU PHI THỜI LÊ SƠ

    30/11/2021 -  14:44

     Hình ảnh trang phục Huy Địch được phỏng dựng bởi Vietnam Centre:

    Một mũ phượng sức các hình phượng và hoa lá.

    - Áo giao lĩnh dài màu đen thêu 12 hàng chim trĩ cùng viền cổ áo, tay áo được thêu hình rồng.

    - Bên cạnh đó là các loại phục sức đi kèm như tế tất, đai ngọc, dải ngọc bội, khăn phủ tay, v.v. 

  4. Tết Đoan ngọ - 5.5 Âm lịch

    09/06/2021 -  16:06

    Câu ca dao lưu truyền:

    "Tháng năm là tết Đoan Dương

    Nhớ ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang"

  5. Nghệ An: Tổng kết năm 2020 và định hướng hoạt động năm 2021

    04/03/2021 -  14:05

    Thực hiện Công văn số 10/2020/HLVN, ngày 6/12/2020 của Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam và bám sát Quy ước của dòng họ, vừa qua, Thường trực Hội đồng họ Lê tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động trong năm 2020 và định hướng nội dung hoạt động năm 2021.

  6. Đại hội đại biểu họ Lê tỉnh Nghệ An lần thứ II nhiệm kỳ 2016 – 2021

    04/03/2021 -  13:55

    Sáng 31/7, dòng họ Lê ở Nghệ An tổ chức Đại hội đại biểu họ Lê tỉnh Nghệ An lần thứ 2 nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Lien he
0935.567.999