Tết Đoan ngọ - 5.5 Âm lịch
Câu ca dao lưu truyền:
"Tháng năm là tết Đoan Dương
Nhớ ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang"
Vậy tết Đoan Dương hay Đoan Ngọ ngày 5 tháng 5 là ngày giỗ ai?
Cuốn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả đem lại câu trả lời rõ ràng:
"Tới đầy tuần sinh nở, vào năm Canh Ngọ ngày 5 tháng 5, đúng ban ngày giờ Ngọ, mặt trời chiếu thẳng. Cái thai thần của Âu Cơ chuyển động, rồng mây đầy nhà, ánh sáng loé lên. Trong trướng, hoàng phi sinh ra một bọc ánh như ngọc trắng, hương lạ thơm nức"
Ngày 5 tháng 5 là ngày mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm trai. Người con trưởng là Hùng Quốc Vương lên làm vua, lập nước Văn Lang. Đây chính là sự kiện đĩnh bách nam khai Bách Việt như câu đối ở đền Hùng nói tới.
Số 5 là con số trung tâm của Hà Lạc, chỉ thủ lĩnh. 5 là Ngũ, cũng là Ngọ. Do đó giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ, năm Canh Ngọ đều có ý chỉ vua, chỉ thủ lĩnh của cả cộng đồng dân tộc Bách Việt.
Ngày Đoan Ngọ là ngày “giỗ mẹ Việt Thường“, tức là bà Âu Cơ. Khi bà mẹ của triều đại trước mất (ngày giỗ) thì cũng là ngày triều đại kế tiếp bắt đầu. Mẹ Việt Thường tên là Văn Lang.
Ngày Đoan Ngọ cũng là ngày sinh của Hùng Quốc Vương và trăm người con trai, nên mới có tên Văn Lang trong câu ca dao. Ý chỉ là ngày khởi đầu của Bách Việt với nước Văn Lang là vua chủ. Tết Đoan Ngọ do đó là lễ ngày lập nước Văn Lang, dựng nên cơ đồ Bách Việt từ bà mẹ Âu Cơ.
Câu đối ở đền Hiền Lương, nơi thờ quốc tổ Âu Cơ:
遡鴻厖締結以來僊種永傳留國祖歷家郡肇修而後人群緬慕播炎邦
Tố hồng mang đế kết dĩ lai, tiên chủng vĩnh truyền lưu Quốc tổ
Lịch cô quận triệu tu nhi hậu, nhân quần miễn mộ bá Viêm bang.
Dịch:
Nhớ thủa hồng mang gắn kết tới nay, nòi tiên mãi lưu truyền là Quốc tổ
Trải đất cô quận dựng sửa sau về, bầy dân luôn ngưỡng mộ khắp Viêm bang.