Phục dựng Đền thờ Vua Lê ở Nghệ An
Đoàn HĐHL trước hạng mục đầu tiên của dự án phục dựng Đền thờ Vua Lê (sau lễ dâng hương)
HLVN- Chiều 27/3/2021 (15/2 Tân Sửu) HĐHL Thành phố Vinh, HĐHL tỉnh Nghệ An và đại diện Thường trực HĐHL Việt Nam đã làm lễ dâng hương tại đền thờ Vua Lê nhân dịp khai mạc Đại hội lần thứ hai HĐHL Thành phố Vinh, Nghệ An nhiệm kỳ 2021-2026.
Đền thờ Vua Lê đặt tại xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngày xưa, đây là một trong 4 ngôi đền cổ lớn và nổi tiếng nhất của Nghệ An với những nét kiến trúc chạm trổ độc đáo không phải ngôi đền nào cũng có được.
Thế kỷ XV, nơi đây là vùng đất linh thiêng, in đậm những chiến tích hào hùng của Lê Lợi chống quân xâm lược nhà Minh. Sau khi xâm lược nước ta, quân nhà Minh đã xây dựng thành lũy, đồn ải trên núi Lam Thành, án ngữ cửa Hội và chia cắt vùng đồng bằng Nghệ An.
Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo và nhân dân nơi đây đã vây hãm thành Nghệ An, giết hàng vạn quân xâm lược. Sử sách mô tả thuyền giặc trôi ngổn ngang, thây chết nghẽn cả sông Lam, vũ khí thu được chất như núi. Tại đây Vua Lê Lợi đã cho xây thành, hậu cứ sản xuất lương thực, luyện tập quân sỹ để tiến quân ra Bắc.
Tháng 4/1428, Vua Lê Lợi ra chỉ dụ đặt lỵ sở trấn Nghệ An tại vùng Triều Khẩu này. Các vị vua từ Lê Lợi đến Lê Thánh Tông và Quang Trung Nguyễn Huệ đều đã từng dừng chân ở đây. Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho xây đền thờ các vua Lê. Hơn 500 năm qua, Vua Lê Thái Tổ và Trinh Ý Nguyên phi được thờ tại ngôi đền linh thiêng này. Đến triều Chính Hòa (cuối thế kỷ 17), vua Lê Hy Tông tiếp tục rước linh vị Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông về đây cùng với gian thờ hổ tướng Lê Khôi.
Tài liệu của Ty Văn hóa Nghệ An đề ngày 25/1/1957 cho biết, đền được tu bổ vào năm 1859, có bốn tòa nhà, đặt kề nhau theo hình chữ I. Ở tòa thượng chính thờ vua Lê Thái Tổ, bên hữu thờ vua Lê Thái Tông, bên tả thờ vua Lê Thánh Tông. Ở tòa trung từ dọc, thờ ba vị Đại Vương, con vua Lê Thái Tổ. Còn tòa trung từ ngang thì để các tế khí. Bên phải bốn tòa nhà này là ngôi đền thờ bà Trinh Ý, vợ vua Lê Thái Tổ, mẹ vua Lê Thái Tông. Đền là một kiến trúc lớn, là công trình điêu khắc tinh xảo.
Ngôi Đền lớn gồm 23 gian, có 98 cây cột, trong đó 64 cây cột chính có đường kính lên đến 60 cm. Trên xà, hạ được chạm trổ hết sức công phu. Nghệ thuật chạm trổ ở đây đã đạt đến trình độ điêu luyện, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Bên cạnh đó là các bức chạm lộng với các đề tài truyền thống như long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu và các đề tài mang đậm phong cách dân gian như hình tượng vũ nữ nhạc công, tiên hạc, đánh cờ, mục tử… với nét chạm tinh tế, uyển chuyển, đã làm cho các bức chạm thêm phần sống động. Đây là một trong những công trình kiến trúc gỗ đẹp nhất và mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XV.
Trong những năm 1930 – 1945, Đền Vua Lê là nơi hội họp của làng và là địa điểm gặp gỡ, trao đổi về tình hình hoạt động cách mạng của một số cán bộ, đảng viên. Năm 1954, lụt bão đã làm sụp đổ 2 toà nhà và năm 1968, máy bay Mỹ thả bom làm tốc toàn bộ mái những toà nhà còn lại. Sau gần 4 năm phơi mưa, phơi nắng, không được tu sửa, nâng cấp, nhiều đồ gỗ bị mục nát cho đến năm 1972, xã đã tháo dỡ hoàn toàn. Những đồ gỗ của Đền còn sử dụng được thì đưa làm nhà trường, nhà kho, một số thì bị mất mát. Đền Vua Lê hầu như bị xoá sổ. Đến năm 1986, thể theo nguyện vọng của nhân dân, xã Hưng Khánh đã vận động quyên góp tiền của để khôi phục lại Đền Vua Lê. Tuy nhiên, cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào về việc thờ tự.
Ngôi đền sau khi khôi phục năm 1986
Từ khi Đền được khôi phục, hàng năm vào ngày 22/8, nhân dân xã Hưng Khánh đều tổ chức Lễ hội Đền Vua Lê. Một Lễ hội mang tính đặc trưng của người dân xứ Nghệ. Năm 1998, Đền Vua Lê được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của Đền Vua Lê, đầu năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết công trình tu bổ tôn tạo di tích Đền Vua Lê giai đoạn 1 bao gồm 19 hạng mục. Trong đó, phục dựng lại nhà trung điện, hạ điện, nhà tả vu, nhà hữu vu, tu bổ lại nhà thượng điện và xây dựng mới một số công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nhiều năm, Nghị quyết phục dựng Đền thờ Vua Lê vẫn chưa được triển khai.
Năm 2020, tỉnh Nghệ An quyết tâm đầu tư phục dựng Đền thờ Vua Lê với tổng kinh phí 21 tỷ đồng , bước đầu cấp 6 tỷ đẻ khởi công. Ngày 6/12/2020 (22/10 năm Canh Tý) Đền Vua Lê bắt đầu được khởi công phục dựng. Hiện nay, những hạng mục đầu tiên đã bắt đầu hoàn thiện. Đây là quyết tâm lớn của tỉnh Nghệ An nhằm phục dựng một di tích lịch sử- văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân Nghệ An cũng như bà con, dòng tộc Họ Lê cả nước.
Lê Cảnh Nhạc (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo: Tư liệu lưu trữ Ty Văn hóa Nghệ An, Báo Nghệ An
Lễ dâng hương tại Đền thờ Vua Lê